Logo top
Tin Tức

CHUỖI CUNG ỨNG RỜI BỎ TRUNG QUỐC, ĐẠI GIA VIỆT VỖI "THỔI GIÁ" THUÊ ĐẤT

Ngày đăng: 15-05-2020 | Lượt xem: 1,382 | Chuyên mục: Tin Tức

Chủ một doanh nghiệp dệt may có trụ sở nằm tại khu công nghiệp ở Hà Nội than phiền khi giá thuê đất ngày càng leo thang. Trong khi đó, vị này cho rằng giá thuê đất vốn đã rất đắt đỏ.

Giá thuê vốn đắt đỏ lại ngày càng tăng cao

Làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc của nhà đầu tư nước ngoài mở ra cơ hội lớn cho bất động sản công nghiệp Việt Nam. Chính điều này khiến nhiều ông chủ khu công nghiệp tự tin với quyết định tăng giá thuê đất.

Ông Nguyễn Hữu Thành - chủ một doanh nghiệp dệt may có trụ sở nằm tại khu công nghiệp ở Hà Nội than phiền khi giá thuê đất ngày càng leo thang. Trong khi đó, ông Thành cho rằng giá thuê đất vốn đã rất cao.

Doanh nghiệp ông Thành hiện thuê 2.800m2 tại khu công nghiệp ở Hà Nội với đơn giá là 4,43 USD/m2/tháng. Tức là khoảng 300 triệu đồng chi phí trả tiền thuê đất mỗi tháng.

Chuỗi cung ứng rời bỏ Trung Quốc, đại gia Việt vội thổi giá thuê đất  - 1Chuỗi cung ứng chuyển sang việt nam

Theo JLL Việt Nam, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái

Trong báo cáo quý I/2020, JLL cho biết miền Bắc thu hút phần lớn các tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc, với nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt và vị trí cần kề với Trung Quốc.

Theo thống kê của JLL, giá đất trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn – lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4,0-5,0 USD/m2/tháng và đều đã được lấp đầy.

Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, JLL ghi nhận số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quý I/2020 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5-5,0 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại.

Đáng lưu ý, theo chuyên gia JLL, việc phát triển logistics/cơ sở hạ tầng lại không tương ứng với mức tăng giá đất này vì quá trình phát triển cho những thay đổi đáng kể về hạ tầng vẫn diễn ra chậm chạp, do đó các nhà đầu tư tiềm năng phải bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế khác.

Ông Nguyễn Hữu Thành cũng nhận xét quỹ đất khu công nghiệp hiện nay quá hạn hẹp. "Giá thuê vốn rất cao rồi lại cứ tiếp tục tăng, không chỉ doanh nghiệp nội mà sợ nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng phải e ngại”, ông Thành nói.

Vị này cho biết đang có ý định xây nhà máy ở khu vực tỉnh lẻ thay vì đi thuê tại Hà Nội như hiện nay với hy vọng giảm bớt chi phí để có thể tồn tại được trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay.

Giá thuê đất có thể khiến nhà đầu tư cân nhắc

Theo JLL Việt Nam, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.

Dữ liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy lượng hàng hóa Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam năm 2019 tăng 35,6% so với cùng kỳ, đối nghịch với mức giảm 16,2% trong lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Dữ liệu năm nay sẽ bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục.

"Việt Nam vẫn là một điếm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Dù dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, chủ đầu tư vẫn tự tin tăng giá đất trong quý đầu năm 2020 do đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn", ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định.

Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cho biết, dưới tác động của Covid-19, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.

“Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong tương lai", ông Stephen Wyatt nói.

‘Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam. Mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc hiện cao gấp ba lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân nơi này cũng cao hơn. Quy mô của Trung Quốc không thể được nhân rộng: lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc còn cao hơn dân số Việt Nam. Hơn nữa, một khối lượng lớn ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia lo ngại Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội tận dụng luồng vốn đang rút khỏi Trung Quốc nếu không có những chính sách kịp thời. Trong khi đó, những vấn đề như chi phí thuê hạ tầng khu công nghiệp ngày càng một cao cũng có thể là yếu tố khiến nhà đầu tư cân nhắc.

Theo dân trí


Có thể bạn quan tâm

Loadding